Tuesday, October 29, 2019

NSƯT Bạch Tuyết: Dùng Cải Lương Để Chuyên Chở Nền Triết Học Phật Giáo


Cái thế chông chênh, với tay không đụng trời, huơ chân không chạm đất của một Cải lương chi bảo đã khiến chị 3 lần tìm đến cái chết trong vòng có mấy năm – câu chuyện giữa TNTS với NSƯT Bạch Tuyết chủ yếu xoay quanh đoạn đời này.

Đã tưởng câu chuyện với NSƯT Bạch Tuyết không thể nào kết thúc, vì sự mải mê chị không dứt ra được trên dòng suy niệm về triết học Phật giáo và luận điểm về tính mới, tính bác học của nghệ thuật sân khấu cải lương, nhưng cuối cùng cũng “tạm dừng tại đây thôi cưng, mai mốt chị em mình gặp nữa nói nữa” vào lúc... 23 giờ 15!

Chị trẻ nhiều so với tuổi 62 (vẫn có thể đóng vai cô gái đang yêu!) và rất cuốn hút khi trò chuyện, với một người hay trước một đám đông. Điểm đặc biệt ở chị: khả năng làm mềm hóa nội tâm và làm giàu vốn kiến thức cho người đối thoại.

Về Kinh Phật và trường ca cải lương

Cuộc sống toàn xã hội thay đổi thì số mệnh của cải lương cũng thay đổi, số mệnh người nghệ sĩ cải lương càng chìm nổi. Với NSƯT Bạch Tuyết – chị đứng vào ở cuộc hưng thịnh và không bước ra khi đến cuộc suy tàn, nhưng bằng bản lĩnh lạ lùng của mình, chị đã không rơi vào cuộc chìm nổi chung - mà vượt lên như một quý nhân của mọi thời.

* Vì sao mấy năm nay chị lại dùng thời gian vào việc chuyển thể kinh Phật sang trường ca cải lương?

Xuất phát từ ý nghĩ: Thường người ta bận rộn, muốn biết một triết học nào đó không có thời gian, người già không tỏ mắt để coi, thanh niên không siêng đọc, nên tôi chọn hình thức cải lương để chuyên chở nền triết học Phật giáo. Vấn đề của một quyển kinh - như một luận văn triết học - muốn chuyển tải chỉ có trường ca. Tôi bắt đầu công việc này đã 5 năm. Trường ca Kinh pháp cú - album Lời Phật dạy ra đã 3 năm. Mới đây nhất là VCD Phật giáo trong lòng dân tộc, mở đầu nói, sau ca, có thơ, nhạc, cải lương, chuyển thể từ tác phẩm của hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện chủ Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng - Đà Lạt, ngài là thầy của tôi. Còn trường ca Kinh kim Cang - Tình ca Quán Âm tôi sắp ra sách và DVD. Rồi trường ca về sư tổ Trúc Lâm (vua Trần Nhân Tông), trường ca kinh Phổ Môn. Chỉ chờ đủ phước đủ duyên là ra. Với lại tôi bỏ tiền ra làm rồi cúng dường chứ không bán nên phải chờ có đủ tiền nữa mới ra tiếp được.

* Học nội trú tại trường công giáo, được nuôi dạy bởi các sơ, thầy, vì sao cuối cùng chị lại trở thành đệ tử nhà Phật?

7 tuổi tôi đã theo bà nội đi chùa và thích không gian, không khí đó. Sau lớn hơn, tôi thấy đâu thể thích cái mình không hiểu, con người ta đâu thể thương ghét bản năng mà phải hiểu tại sao chưa thương, tại sao chưa thích nên tìm hiểu đạo Phật.

* Cụ thể là ở tuổi nào, cơ duyên nào?

Tôi bắt đầu tìm hiểu đạo Phật nghiêm túc năm 23 tuổi. 18 tuổi tôi đã nổi tiếng lừng lẫy. Nổi tiếng quá trẻ, quá đầy đủ khiến tôi luôn thấy chông chênh, trạng thái với tay thì không đụng trời và huơ chân thì không đụng đất nên người cứ toòng teng. Đó gọi là không uống rượu mà say. Tôi không thích trạng thái đó. Sự nổi tiếng, dù có tương xứng với tài năng mà lớn hơn trí tuệ thì là bi kịch, sẽ dẫn đến những nhận định về con người và sự vật lộn đầu lộn đuôi hết. Sự sai lạc đó gây ra tổn thương mình, tổn thương người. Mình ác muốn chết mà cứ tưởng mình thiện!

Về 3 lần tự tử

* Xin chị hãy nói về 3 lần tự tử của mình. Áp lực nào của cuộc sống khiến chị muốn chối bỏ sự sống?

3 lần đó xảy ra trong khoảng từ năm tôi 20 tới 27 tuổi. Toàn vì những lý do không rõ rệt. Lần đầu, hồi đó tôi đi hát về khuya, thường không chịu đi xe mà có thú đi bộ một mình. Đang đi như vậy thì nghe tiếng la khóc thất thanh vang lên. Đường vắng không một bóng người. Nhìn lên thấy ở phía xa, một người đàn ông đang nắm tóc đánh đập một cô gái, chúi đầu cô gái đó nhận xuống cống. Tôi sợ hãi đứng chết trân. Nghe loáng thoáng thì cũng biết đó là một cô gái điếm, khách làng chơi kia quỵt tiền, cô chạy theo đòi thì bị người đàn ông đó túm đánh, còn giật luôn giỏ xách của cô ta bỏ đi sau khi đạp cô xuống cống. Chuyện vậy... Tôi thấy cuộc đời này không đẹp, con người sao khốn khổ và hung bạo quá, lại giận mình thấy người bị ức hiếp mà bất lực đứng ngó, không thể thay đổi hiện thực đó. Nghĩ luẩn quẩn vậy mà không muốn sống nữa, tự tử. Chưa kịp chết thì có người bạn tới chơi phát hiện ra, đưa tới bệnh viện. Sống lại, câu đầu tiên là tôi trách bạn: “Sao mày cứu làm gì. Tao mỏi quá, muốn nằm xuống luôn, không muốn ngồi dậy nữa”.

* Giới nhật trình hồi đó đưa tin, bình luận thế nào về vụ tự tử của một Cải lương chi bảo 20 tuổi?

Ôi người ta thêu dệt đủ chuyện. Rộ lên nhứt là tôi thất tình. Rồi thì tôi bắt bồ với tướng tá bị đánh ghen... Ai muốn nói gì thì nói, nhưng ai xin phỏng vấn tôi đều cự tuyệt. Bị thúc hối khởi đơn kiện mấy tờ nhựt trình đưa tin bậy, tôi một hai lắc đầu. Báo người ta cũng cần có chuyện giựt gân để bán báo, giờ có nhờ vô mình mà kiếm thêm chút đỉnh thì cũng là mình có ích cho người chớ có sao đâu. Mình cũng nhiều lúc dựa vô họ để nổi danh mà.

* Còn 2 lần kế tiếp thì thế nào, thưa chị?

Cũng với những lý do không rõ ràng gì như vậy. Hồi đó tôi bị stress, có khi trầm cảm, lại thuộc khí chất tiêu cực, thế đứng chông chênh, nên thấy chuyện gì bất ý cũng khiến tôi muốn tìm tới cái chết. Khi nổi tiếng, áp lực làm việc kinh khủng lắm, lại nhìn nhận cuộc đời sai lạc mà không biết lý giải, tâm lý khủng hoảng.

Về chứng “làm biếng sống”

* Hồi đó chị làm việc thế nào?

Khi mình càng nổi tiếng, thì người ta tìm đến mình càng nhiều, đâu đâu, chuỵện gì cũng muốn sự có mặt của mình, lại đua nhau nâng giá thù lao lên. Mình ham nổi tiếng, ham tiền, nên lao theo người ta, cứ vậy tạo thành một guồng quay khép kín không ngơi nghỉ. Diễn sân khấu, thâu băng, đóng phim, rời cái này lại nhào sang cái kia. Mọi lịch tập, diễn đều ký hợp đồng tính giờ, đến tập trễ 15 phút là họ mời luật sư đại diện tới lập biên bản, phạt, rồi báo chí làm um lên. Mình tự đi khám ở bác sĩ ngoài, không do bác sĩ của đoàn khám mà báo bệnh nghỉ là luật sư của họ tới liền. Làm việc từ sáng hôm này tới sáng hôm sau. Tiền nhiều mà không có cuộc sống. Cứ vài ba tháng vô nằm viện một lần. Từ nhỏ tới lớn tôi làm biếng sống lắm. Giờ vẫn vậy, không có chuyện gì cũng không muốn sống. Chính vậy mà tôi thông cảm với những minh tinh tự tử trên thế giới này. Bản thân cái đẹp vô tội, mong manh, nên không có khả năng tự vệ, người làm vườn không biết cách chăm sóc là nó gục thôi.

Về hành trình tìm kiếm bản thân

* Vẫn làm biếng sống, nhưng sau nhờ đâu mà chị không lặp lại hành động đòi nằm bẹp xuống vĩnh viễn khi “thấy mỏi quá” nữa?

Tôi nổi tiếng từ 18 tuổi, từ đó đến năm 27 tuổi tôi quay quắt đi kiếm mình, cho đến khi thấy được mình mới ổn. Tôi cảm ơn đạo Phật vì cho tôi một sự nhìn nhận công bằng với bản thân và với cuộc đời, nhìn nhận được giá trị thật của mình. Chính khi như vậy mới tự tin, và cho ta niềm tin cuộc sống của ta cùng vạn vật xung quanh là cực kỳ quý báu, thiêng liêng, có trách nhiệm giữ gìn.

* Chị nhiều lần nhắc đến “thế chông chênh, với tay không đụng trời, huơ chân không chạm đất” của người nổi tiếng quá sớm, danh tiếng lớn hơn trí tuệ. Sau chị vượt qua trạng thái này như thế nào và xác định thế đứng mới nào?

Khi muốn hủy hoại mình, thường vì cảm thấy mọi thứ chung quanh không còn gì đáng cho mình tin, không còn gì cho mình bám víu nữa. Con người mỗi người mỗi khác, như thế giới này là vậy đó. Trong khi, đức Phật cho rằng cuộc sống thực không có cái gì để bám víu. Cuộc sống thực là mình đứng trên đôi chân của mình, trên mặt đất này và suy nghĩ mọi thứ bằng trí óc của mình, nhận thức rằng sự bất ổn định mới là bản chất của cuộc sống - chứ không phải là sự ổn định, còn sự bình an là không tưởng. Phật dạy: “tâm bình thế giới bình”. Tôi thích câu nói này của người Trung Quốc: “Tất cả mọi việc trên đời đều thay đổi, duy nhất chỉ có sự đổi thay là không thay đổi”. Và một câu nữa: “Trường Giang sóng sau dồn sóng trước”. Hôm nay mình vĩ đại, sáng mai ngủ dậy có người vĩ đại hơn. Mẹ tôi, trước khi chết trong bệnh viện vì tai nạn giao thông, lúc đó tôi mới 9 tuổi, dặn lại chị em tôi: Ráng sống sao cho bà con người ta đừng nói mình là cái thứ con không cha không mẹ. Mẹ tôi muốn chị em tôi thành nhân. Tôi thì thành danh trước, may rồi sau cũng thành nhân, chứ thành danh trước thành nhân là nguy hiểm lắm.

Về bản chất của sự nổi tiếng

* Từ 18 tuổi đến nay, chưa khi nào chị hết là người nổi tiếng. Bản chất của sự nổi tiếng là gì, nhìn từ góc độ người trong cuộc?

Bản chất của sự nổi tiếng là phù phiếm, tới rồi đi như cơn gió. Tài năng chỉ phát triển một cách đàng hoàng tử tế khi nào nó đi với cái tâm. Lúc đó sẽ không còn vin vào sự nổi tiếng, không trông cậy vào sự nổi tiếng, biết làm mọi việc với con người thật của mình. Còn bám víu vào sự nổi tiếng là còn chông chênh. Tri thức và tài năng mới là thứ thiệt, thứ dùng được nhưng còn phải lương thiện để dùng tài năng và tri thức đó có ích.

* Giờ chị sống theo cung cách nào?

Tôi sống như một người không nổi tiếng, ai biết làm gì tôi biết làm cái đó: rửa chén, quét nhà, chà WC, làm ruộng làm rẫy. Mình là cái gì mà mình khác mọi người? Tốt nhứt là sống như một người bình thường. Tôi không còn thấy khổ, thấy bất hạnh mà tôi cảm ơn hết tất cả những cái đã có trên con đường mình đi qua. Giá trị của đạo Phật với tôi là: tôi thấy tôi không tốt chứ không phải người khác không tốt. Tôi thích câu kinh Pháp cú: “Thân phàm phu kiên trì theo chánh pháp. Công tu tập lớn dần rúng động khắp chư thiên”. Tôi đang như vậy - thân phàm phu.

Về 3 lạy trong chương trình Tự tình quê hương

* Trong chương trình “NSƯT Bạch Tuyết - Tự tình quê hương”, vì sao trước khi khai màn chị lại có 3 lần lạy tạ mà về sau biến thành giai thoại trong giới nghệ sĩ như vậy?

Tôi cảm ơn tôi là người Việt Nam - đó là sự biết ơn ngoại tại. Con cảm ơn ông bà cha mẹ - sự biết ơn nội tại. Tôi cảm ơn cái thế giới mà tôi đang hiện hữu - sự biết ơn trời đất.

Thứ nhất, khi biết tôi là ai, từ đâu tới thì lòng mới có sự biết ơn. Và khi có sự biết ơn thì mới giải được mọi việc trên đời. Mọi việc được giải bằng cái tâm chứ không phải bằng lý trí. Quy luật sinh tồn, có anh - có tôi - có mọi người, chúng ta biết ơn lẫn nhau.

Thứ hai, không có ông bà cha mẹ thì đâu có cái thân mình. Không có thân thì lấy gì để thể hiện cái tâm? Tâm không qua hành động làm sao hiện hữu?

Thứ ba, cảm ơn trời đất vì cho tôi thức ăn thức uống, không khí để tồn sinh. Những gì hiện hữu đây đều có sự xây đắp, cộng hưởng của nhiều đời.

Đó, tôi lạy tạ cảm ơn vì lòng chân thành đó, đâu phải là một trò hát cho vui.

* Hiện nay, chị dùng phần lớn thời gian vào việc gì?

Diễn viên, bà bầu, đạo diễn, tôi trải qua hết rồi. Giờ tôi đã qua cái tuổi thực hiện những ước mơ, tôi chỉ tiếp tục làm những việc mà đời tôi đang ấp ủ, yêu thích, có chút hiểu biết và tận tâm muốn được trả ơn, đó là cải lương và Phật giáo. Về cải lương, tôi bận tâm nhiều. Mấy chục năm nay chúng ta chưa có được một giáo trình đầy đủ, khoa học nào về cải lương, nói tới nói lui cũng chỉ là cảm tính. Trong quá trình nghiên cứu nghệ thuật dân tộc, tôi nhận ra nghệ thuật cải lương quý báu nhưng ít người chịu nghiên cứu, đất nước loạn ly vừa chạy vừa đánh giặc mà. Mình hát cải lương, mình học để biết nghề mình, rồi sau giúp ích gì được cho cải lương, cho người làm nghề thì vui lắm.

10/04/2008 - Hải Miên

No comments:

Post a Comment